Cuộc trò chuyện của bà Phương Thảo với Tuổi Trẻ diễn ra giữa không khí chộn rộn ngày cuối năm, về con đường gầy dựng sự nghiệp của một người phụ nữ được chia sẻ nhẹ nhàng như vừa đi qua một ước mơ.
Nhắc tới bà, người ta nghĩ ngay đến Vietjet Air, một công ty được thành lập và bay lên trong thời điểm một số hãng bay lên rồi "hạ cánh", nhưng Vietjet Air lại thành công. Có gì hấp dẫn trên thị trường hàng không để bà thực hiện ước mơ bay?
- Vietjet là hãng hàng không tư nhân nhận giấy phép số 1 nhưng lại cất cánh bay sau một số hãng vì chúng tôi cần thời gian để chuẩn bị cẩn thận, đảm bảo thành công, bay cao bay xa.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: Tiền nhiều để hiện thực hóa những ước mơ cao đẹp - Ảnh 2. Ban đầu, đề án của Vietjet Air là một hãng hàng không 5 sao. Nhưng rồi trong một dịp gần Tết, thời điểm chuẩn bị cất cánh, chúng tôi đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao, có một bà mẹ hỏi: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay". Câu nói đó khiến chúng tôi giật mình và cứ văng vẳng theo mỗi bước hoàn thành đề án.
Vậy là chúng tôi quay sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ.
Điều thú vị là mô hình này không chỉ mang lại cơ hội đi lại bay cho người dân tiếp xúc với thế giới văn minh, mà về mặt kinh tế, các hãng này hoạt động rất tốt, tốt hơn với hàng không truyền thống. Vậy là chúng tôi bắt đầu đi tìm kiếm các đơn đặt hàng máy bay mới, số lượng lớn, thời gian giao máy bay đáp ứng kế hoạch.
Hàng không có một sức cuốn hút mãnh liệt, không phải hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận mà là những thay đổi mang đến cho kinh tế, đất nước, vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới đến với Việt Nam. Thách thức vô vàn, nhưng đã đi qua. Phải nói là hàng triệu người dân lần đầu tiên có cơ hội đi máy bay là niềm hạnh phúc của chúng tôi.
Có thật sự là thách thức đã qua khi mà hiện tại, bên cạnh 5 hãng hàng không hiện hữu còn có thêm 5 hãng mới chờ bay?
- Việc có thêm nhiều hãng là tín hiệu cho thấy thị trường đang phát triển tốt. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng kinh doanh hàng không rất khó. Người ta vẫn thường nói muốn trở thành một triệu phú thì có thể bắt đầu từ một tỉ phú rồi lập một hãng hàng không.
Thế giới có nhiều hãng, nhưng để thành công, đạt quy mô lớn, có mạng bay và sức lan tỏa rộng lớn thì không nhiều. Và cũng sẽ có những thách thức đến từ cơ chế độc quyền tự nhiên tại các sân bay, hay cạnh tranh thiếu lành mạnh trong ngành.
Chiến lược phát triển của chúng tôi là tránh cạnh tranh mà đi mở mang khách hàng mới, thị trường mới, sân bay mới… Chúng tôi tiếp tục duy trì vị thế của mình, đồng thời sẽ xây dựng tinh thần hiệp hội với các hãng mới để có thể cùng nhau xây dựng một thị trường hàng không lành mạnh.
Bà có thể cho biết lý do Vietjet kinh doanh ‘ước mơ bay’?
- Thực ra, hồi nhỏ, tôi cũng từng không ít lần ngước lên trời nhìn máy bay và lòng thầm ước một ngày mình được ngồi lên đó, được đến những nơi xa xôi mình chưa bao giờ được đặt chân tới. Ước mơ của hàng triệu người trải qua bao đời vẫn không thực hiện được. Bởi vì với nhiều người ở trong nước và trên thế giới, vé máy bay vẫn đắt đỏ bằng cả một gia tài nên chưa thể thực hiện được ước mơ bay.
Hàng không là lĩnh vực giúp rút ngắn tiến trình hội nhập, là con đường lớn nhất, nhanh nhất đón thế giới đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra thế giới. Các cường quốc trên thế giới đều sở hữu đội máy bay hùng mạnh, đều có các hãng hàng không lớn, quy mô ít nhất hành trăm tàu bay, tôi muốn Việt Nam mình được như vậy nên mới hướng đến một Vietjet như Emirates của châu Á.
Gần 20 năm kinh doanh ở nước ngoài, trước khi về Việt Nam khoảng hơn 10 năm, cho tôi mối quan hệ và uy tín với các tập đoàn, các nhà tài phiệt và lãnh đạo quốc gia các nướcnước, là yếu tố nhân hòa. Thiên thời địa lợi đã tới nên tôi quyết làm hàng không.
Bà mế vùng cao đã khiến Vietjet thay đổi mô hình kinh doanh trong một chuyến đi từ thiện. Bà có thường thực hiện trách nhiệm xã hội như vậy không?
- Cái tâm và tính thiện lương đều có trong mỗi người, không riêng gì doanh nhân. Ở bất kì vị trí nào, tôi đều nhắc nhở bản thân đánh thức tinh thần đó dù là công tác xã hội, thiện nguyện hay kinh doanh. Tính lương thiện sẽ hướng mình làm điều đúng đắn, có ích cho xã hội.
Ở vị trí lãnh đạo, tôi cũng khơi gợi trong đội ngũ cán bộ công nhân viên, để biến tính lương thiện và các hoạt động ý nghĩa hướng đến cộng đồng phải trở thành một phần đời sống của doanh nghiệp. Chúng tôi mỗi năm đến gần Tết mà chưa đi thăm hỏi, tặng quà những hoàn cảnh khó khăn, người có công… thì còn thấy bứt rứt lắm!
Bà đánh giá về chuyện được mất của mình trong câu chuyện cho đi và nhận lại trong cộng đồng như thế nào?
- Mình cứ cho đi đã, chưa nghĩ đến việc mình nhận về gì. Bà mế đã được đi máy bay mà không phải ky cóp mất mấy tấn thóc, hay những kỳ thủ như Lê Quang Liêm trưởng thành từ những giải cờ vua HDBank từ nhỏ, đã mang về vinh quang và định vị trí tuệ Việt Nam trong làng cờ vua thế giới.
Âm thầm tự hào khi cờ vua Việt Nam vươn tới vị trí thứ 7 trong làng cờ thế giới. Hình ảnh Việt Nam qua chiếc tàu bay mang màu quốc kỳ của Vietjet cũng được biết đến nhiều, tự hào lắm chứ. Mình cảm nhận thấy vui chứ không rạch ròi được - mất.
Nhìn lại thời xách vali đi du học năm 17 tuổi, tỉ phú Phương Thảo với tài sản hơn 2,7 tỉ USD có gì khác cô sinh viên hồi xưa?
- Khi còn nhỏ, tôi ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ tôi. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"… là đủ.
Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế - perestroika - một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.
Trường Đại học Plekhanov tôi học là nơi các chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau, thầy giáo tôi là chủ tịch quốc hội thời đó. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo rằng tôi phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó tôi mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.
Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng. Thời đó, 8h sáng đi học, chiều về, tôi bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học.
Nếu không dấn thân vào kinh doanh tôi không mất quãng thời gian từ chiều đến đêm và cả sáng sớm, chỉ tập trung vào học thôi. Có vẻ như trời cũng không phụ lòng người, năm 21 tuổi, tôi đã có 1 triệu USD trong tay là số tiền rất lớn thời đó khi 1 chỉ vàng có 200.000 đồng.
Chính thời đó đã xuất hiện một tầng lớp doanh nhân hiện nay nắm các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam. Nghe nói bà đã học qua ba trường đại học với những ngành nghề khác nhau, từ kinh tế, ngân hàng tới nghệ thuật hiện đại, tự động hóa. Điều gì khiến bà khác với những doanh nhân cùng thời đó?
- Các anh ấy đều rất giỏi. Điểm chung của các anh ấy là làm kinh tế một cách quyết tâm với ý chí sắt đá. Cơ hội đến là nắm bắt ngay, có thể nói làm quần quật.
Có lẽ tôi may mắn hơn các anh chị và các bạn cùng thế hệ. Tôi làm kinh tế như một cái duyên, một tiến trình tự nhiên. Một số người nói tôi có khả năng kinh doanh thiên bẩm nhưng tôi không nghĩ vậy.
Tôi thích học và may mắn có quá trình học tập ở những trường lớp cùng các giảng viên hàng đầu kết hợp với những kinh nghiệm trong quá trình tôi kinh doanh khi còn đi học. Các thầy cho tôi thói quen nghiên cứu bài bản, kỹ càng, rồi mới làm. Tôi còn may mắn có sự giúp sức của những cộng sự có năng lực, tâm huyết, có tầm và chắc mình cũng có duyên có số trong nghiệp doanh nhân.
Phải chăng vì là phụ nữ cho nên sự duyên dáng và uyển chuyển cũng là lợi thế hơn?
- Không đâu, thương trường là nơi dành cho những người can đảm, trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ.
Có thể do tôi làm gì cũng đều chuẩn bị kỹ càng từ trước nên vì thế con đường tôi đi có vẻ bằng phẳng nhưng sóng gió ngầm thì cũng như ai thôi. Điểm chung là phải làm việc chăm chỉ và nghiêm túc bên cạnh lòng can đảm và quyết tâm, phụ nữ chúng tôi có đức hi sinh, sự nhẫn nại và lòng bao dung để cùng với doanh nghiệp của mình đi qua những khó khăn, hướng tới sự toại nguyện trong cuộc sống kinh doanh.
Một khi bạn đi làm kinh doanh hay làm bất cứ việc gì, cơ bản bạn vẫn phải cống hiến bằng, năng lực của mình, đừng trông chờ lợi thế. Phụ nữ có lẽ có quỹ thời gian nhiều hơn vì nam giới phải ngoại giao nhiều hơn còn mình dành thời gian đó cho gia đình, cho công ty. Nhưng cũng vì trách nhiệm phụ nữ mà có lẽ chúng tôi phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 nam giới. Lợi thế lớn nhất vẫn là giá trị và sự hi sinh cống hiến của bản thân.
Bà có thể cho ví dụ về sự hi sinh?
- Đôi khi chỉ là những điều nho nhỏ. Sáng nay đưa con đến trường, bé cứ nằng nặc, năn nỉ kéo tay muốn mẹ dẫn vào lớp. Ngặt cái, tôi có cuộc họp lúc 8h30. Nếu mủi lòng đưa con vào lớp thì lại muộn họp. Thế là lại để con tự đi một mình, mặc dù trái tim rất muốn đi cùng con.
Nếu rộng hơn về cá tính, tôi thích sự riêng tư cho cá nhân mình, nhưng công việc lãnh đạo doanh nghiệp đã biến mình thành người của tập thể, của công chúng. Phải luôn ý thức tinh thần gương mẫu đi đầu của người lãnh đạo, chia sẻ trong cán bộ công nhân viên và mình buộc phải hi sinh sự riêng tư, sở thích của mình.
Bà có vẻ ‘nghiện’ áo dài, còn tiếp viên Vietjet lại mặc quần soóc. Được biết bộ đồng phục này đã đoạt giải đồng phục tiếp viên đẹp nhất châu Á. Bà nói gì về điều này?
- Mặc gì đối với tôi quan trọng là phải yêu thích, cảm thấy thoải mái, và sáng tạo mỗi ngày. Áo dài với tôi là quốc phục. Người mặc chính là thể hiện sự tôn trọng, khẳng định và giữ gìn giá trị văn hóa của người Việt. Hơn nữa, áo dài giúp tôi thấy có trách nhiệm với bản thân, nhắc nhớ tôi phải yêu bản thân, đừng để mất dáng làm xấu, tội cho cho áo dài (cười).
Đối với tiếp viên của Vietjet, trang phục ngoài đẹp mắt còn phải tạo cảm giác thoải mái và tiện lợi cho họ khi đang thực hiện các nghiệp vụ trên chuyến bay.
Tiếp viên phải di chuyển nhiều, thao tác linh hoạt và luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với các tình huống khẩn nguy, thế nên, bộ trang phục được thiết kế và chọn chất liệu nhằm đảm bảo các yêu cầu đó.
Hơn nữa, bộ trang phục mới mẻ, tiếp viên hát ca khúc Hello Vietnam bản tiếng Anh giúp truyền tải văn hóa Vietjet - một Việt Nam đổi mới, mang lại năng lượng tích cực và thân thiện. Và các bạn thấy đó, đồng phục tiếp viên Vietjet đã đoạt giải bộ đồng phục tiếp viên hàng không đẹp nhất châu Á.
Như một lần bà có nói mình không biết có bao nhiêu tiền. Hay nói cách khác, một câu đang khá là hot: Tiền nhiều để làm gì?
- (Cười) Tiền nhiều để hiện thực hóa những ước mơ cao đẹp và giúp đỡ được nhiều người hơn!
Trong kinh doanh, muốn có tiền cũng phải biết cho đi? Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? Bà có thể tiết lộ số tiền Vietjet, HD Bank, Phú Long chi cho hoạt động xã hội, cộng đồng, thiện nguyện?
- Kinh doanh giúp chúng tôi lớn mạnh hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn. Chúng tôi chia sẻ thành quả của mình với xã hội, đặc biệt là những người yếu thế, thiệt thòi...
Chúng tôi đã dành một phần đáng kể thu nhập của mình cho các chương trình xã hội, chương trình thiện nguyện và các chương trình mang tính chất tạo bệ phóng cho nhan sắc, trí tuệ Việt tỏa sáng, vươn xa như: Giải cờ vua quốc tế của HD Bank; bóng đá futsal; các cuộc thi hoa hậu…
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Vietjet và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp thực hiện thu hút hơn 6 triệu đoàn viên thanh niên ủng hộ, cổ vũ, truyền cảm hứng cùng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của từng mảnh đất, con người, của đồng bào và hun đúc tình yêu quê hương đất nước…
Hàng trăm chương trình xã hội, thiện nguyện của chúng tôi diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, trước tiên là đồng bào ở trong nước, sau đó là người dân ở những nơi trên thế giới như Philippines, Ấn Độ, nơi chúng tôi bay tới... với mong muốn cùng sẻ chia và không muốn ai bị bỏ lại phía sau...
Tết đến, xuân về là thời gian của sẻ chia. Bà nhìn nhận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như thế nào?
- Đầu tiên phải nói đến trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp, trước hết là phải có hiệu quả để nhân viên có thu nhập tốt, đối tác và khách hàng hài lòng. Sau đó là trách nhiệm tạo ra giá trị, hiệu quả. Gần đây, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân được nhắc đến nhiều. Với tôi có lẽ đây là một phần của triết lý kinh doanh lương thiện nó nằm sâu xa đâu đó trong tâm hồn và trái tim lương thiện. Phương tiện giao thông chi phí tốt vừa giải quyết nhu cầu đi lại của người dân vừa tăng năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch và chi phí logistic.
Trách nhiệm xã hội của Vietjet còn thể hiện ở chỗ: Vietjet chỉ sử dụng đội tàu bay mới với tỷ lệ nhiên liệu, khí thải, tiếng ồn giảm nhiều nhằm cùng các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới chống biến đổi khí hậu. Tương tự, HD Bank cũng đang chuyển mạnh sang ngân hàng xanh, cốt lõi là nắm bắt, sử dụng tiến bộ công nghệ mới mang đến những trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho hàng triệu khách hàng, đặc biệt là khách ở khu vực nông thôn.
Bà nghĩ trách nhiệm của mình trong việc truyền cảm hứng với cộng đồng, xây dựng một tinh thần doanh nhân trong xã hội Việt Nam, như thế nào, bằng cách nào?
- Tôi nghĩ trước tiên tôi cần tập trung làm tốt công việc và sứ mệnh của mình. Mình làm tốt sẽ hữu xạ tự nhiên hương, lan tỏa trong doanh nghiệp của mình ra ngoài cộng đồng. Niềm tin, sự phấn khích là động lực cho lớp người khởi nghiệp trong một quốc gia khởi nghiệp. Tôi luôn động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ.
Là doanh nhân, tôi thích tinh thần tự tôn dân tộc thời Minh Trị thần kỳ của Nhật Bản. Tôi cũng thích tinh thần của các doanh nhân chaebol Hàn Quốc. Khi doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và có trách nhiệm, sứ mệnh làm cho khách hàng, xã hội văn minh, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có động lực làm giàu giá trị Việt và lan tỏa ra thế giới. Đó là sẽ nguồn cảm hứng mãnh liệt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt.
Bà đã nghĩ đến việc chuẩn bị cho con mình tiếp quản và kế nghiệp?
- Kế nghiệp là vấn đề chung của các tập đoàn, của các gia tộc. Văn hóa Á Đông có tính truyền thống rất mạnh, cha truyền con nối, khác với Mỹ hay Tây Âu. Tôi nghĩ cần làm sao hài hòa các yếu tố này mới có khả năng phát triển doanh nghiệp trường tồn và thịnh vượng.
Với cậu con trai lớn, tôi với con trai như bạn, cùng đi xem phim, cà phê, tôi để con phát triển một cách tự nhiên, theo sở trường và đam mê chứ không ép buộc. Bạn ấy học ở trường phổ thông nội trú ở Anh, vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu và năm nay bạn dự thi vào khoa quản lý kinh tế của Đại học Oxford với bài luận mở đầu bằng câu "mẹ tôi là một hình mẫu để tôi mong muốn phấn đấu noi theo". Con tự viết mà không chia sẻ gì với tôi. Khoa đó rất khó, chưa biết kết quả ra sao nhưng tôi cũng may mắn là bạn ấy học giỏi và tự lập. Sau này nếu bạn ấy kế nghiệp được thì tốt.
Bà thích người ta gọi mình là Madam Thảo hay là chị Thảo Vietjet?
- Tôi thích được gọi là "chị", gần gũi, tự nhiên hơn. Madam nghe trịnh trọng, xa xôi và có vẻ không phải là mình. Ngày trước, mỗi khi cùng các cộng sự đi làm việc bên ngoài, nhiều đối tác lầm tưởng những người kia mới là sếp nên đã mời vào trước, đón tiếp tíu tít. Họ tưởng tôi là thư ký nên bị bỏ đứng trơ khấc một mình. Nghĩ cũng thấy vui.
Madam Thảo nghe oai lắm nhưng có những người thân, bạn bè nói nhìn tôi thiếu hẳn cái khâu oai vì mặt không lạnh, người không mập, tính hòa đồng. Ngẫm lại cũng thấy có lý. Dù là "Madam Thảo" trên thương trường hay "chị Thảo của Vietjet", tôi vẫn là tôi, thích vui tươi, thích trò chuyện, lắng nghe bất kỳ ai mà tôi gặp.
Nếu tự nhìn nhận mình thì bà là ai? Một "người đàn bà thép" của công ty hay một phụ nữ của gia đình?
- Tôi nghĩ đơn giản phụ nữ cố gắng làm cho tốt bổn phận, trách nhiệm của mình. Người phụ nữ đứng đầu doanh nghiệp không thể nói tôi là người của công việc, cũng không thể nói tôi là người của gia đình. Mình phải cố gắng làm cho tròn các vai mà số phận và cuộc đời trao cho mình.
Ai đó gọi tôi là "người đàn bà thép" cũng không hiểu vì sao. Tôi chưa đuổi việc ai bao giờ. Khi chọn một từ để tả tính tình của tôi thì nhân viên gọi là "sếp hiền". Nếu có "thép" thì chắc là khi đàm phán kinh doanh, mọi thứ phải theo nguyên tắc, quy định đảm bảo quyền lợi, an toàn cho doanh nghiệp mình, không dễ dãi, nhân nhượng được.
À, có lẽ kỷ luật "thép" là ngày lễ, Tết tôi luôn tự tay làm cỗ, thắp hương gia tiên, ông bà. Ngày đầu năm luôn tự tay nấu bếp mời anh chị em cộng sự bữa tiệc chào xuân mới. Cũng có người nói sao không thuê, mua hay để người làm lo cho vì thời gian vào bếp ấy, tôi dành cho kinh doanh thì kiếm được nhiều tiền lắm. Những phụ nữ Hà Nội chúng tôi từ nhỏ đã được rèn giũa nữ công gia chánh. Nhờ năng lượng của đất trời, hồng phúc của ông bà tổ tiên, anh linh của người đã khuất mình mới được như ngày hôm nay, mình tự làm cỗ, sắp lễ thành tâm mới là phải đạo.