Cận cảnh sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam
Chỉ chưa đầy một tuần nữa, ngày 30/12 tới đây Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sẽ chính thức được đưa vào khai thác, đón chuyến bay thương mại đầu tiên sau gần 3 năm thi công.
Mang ý tưởng đột phá cho hạ tầng giao thông mới ở Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được thiết kế theo phong cách phóng khoáng, hiện đại, sang trọng, tinh tế và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Đây là sản phẩm hình thành từ ước mơ sở hữu cảng hàng không quốc tế của nhiều lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cùng với sự mạnh dạn, đổi mới, dám nghĩ, dám làm của tỉnh Quảng Ninh.
Công trình do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tổng số tiền khoảng 7.700 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, trên tổng diện tích 325ha. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được Bộ GT-VT phê duyệt là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá là phi trường phức hợp hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay với thiết kế đạt 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm. Nhà ga có 2 khu vực quốc tế và nội địa riêng biệt. Trong sảnh check-in có hai khu vực phòng chờ với không gian mở, bao quanh bởi những lớp kính dày nhìn ra cảnh quan xung quanh, giúp du khách có chỗ nghỉ chân, cà phê thư giãn trong thời gian chờ làm thủ tục.
Nội thất của nhà ga nổi bật với sàn được lát bằng ván composite (nhựa tổng hợp) vân gỗ, giá thành đắt gấp nhiều lần so với chất liệu gỗ tự nhiên, có khả năng chịu lực cao, không bị cong vênh và chịu được mài mòn theo thời gian.
Cột trong nhà ga được bọc tấm nhôm renoborn nhập khẩu từ Pháp, tạo cho không gian nét sang trọng, lịch lãm và đẳng cấp của một sân bay chuẩn 5 sao. Thiết bị nội thất đều là các thương hiệu hàng đầu châu Âu.
Những bình phong kính giới thiệu vẻ đẹp của vịnh Hạ Long trở thành điểm nhấn về nội thất của khu nhà ga tại lối đi tới sảnh quốc tế và nội địa. Khu vực đảo hành lý, ghế ngồi hành khách mang thương hiệu Figueras (Tây Ban Nha) theo style mới nhất, được đánh giá tương đương sân bay tại Dubai. Hai bên ghế đều có ổ cắm sạc điện, usb, vô cùng tiện lợi cho du khách.
Hệ thống mái che khu sảnh ngoài gồm 3 lớp: Mái kính Low-E giúp giảm bức xạ nhiệt, kết cấu thép và hệ thống lam gỗ giúp chống nóng, đảm bảo tính thẩm mỹ và tạo hiệu ứng thị giác vô cùng độc đáo kết hợp cùng những bức tường lớn được ốp đá tự nhiên, vừa mang dấu ấn bản địa, vừa đem lại cho du khách cảm giác thoáng mát, dễ chịu.
Mái vòm nhà ga sử dụng hệ thống nhôm 3 ly không cần nẹp, lấy sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, bổ sung thêm hệ lam gỗ giảm bức xạ nhiệt, đem lại nét đẹp rất phóng khoáng, sang trọng cho tổng thể không gian kiến trúc nội thất.
Hệ lam kính hướng ra khu vực sân đỗ máy bay và đường cất hạ cánh được điều chỉnh theo hướng Tây, giảm bức xạ nhiệt 46%.
Đặc biệt, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được thiết kế với rất nhiều không gian xanh. Khuôn viên dẫn vào nhà ga bài trí như một công viên nhỏ với những đồi cây xanh rì, các tiểu cảnh trang trí tinh tế, trang nhã, có đường dạo bộ cho du khách, cây xanh và tiểu cảnh được trồng, bố trí tại các bãi dừng, đỗ xe để lọc khí thải phương tiện, thân thiện với môi trường.
Đến sân bay, hành khách vẫn có không gian thư giãn, ngắm cảnh. Khu vực hút thuốc được bố trí riêng ngoài trời, hiện tại trên thế giới mới chỉ sân bay Changi mới có. Đây là cách đối xử văn minh với những người hút thuốc thay vì nhét họ vào trong phòng chật hẹp với khói thuốc mù mịt, ngột ngạt, khó chịu.
Khu vực sảnh trước là không gian mở với nhiều cảnh quan cây xanh, hồ cá và có vị trí mát mẻ, không khí trong lành cho khách nghỉ chân. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng là sân bay đầu tiên trên thế giới đưa hồ cá Koi vào làm điểm nhấn cho kiến trúc cảnh quan.
Trên tổng diện tích gần 27.000m2, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được thiết kế gồm 2 tầng, có một cầu hành khách cho máy bay code E, ba cầu hành khách cho máy bay code C (giai đoạn 1), tất cả được nhập từ Tây Ban Nha.
Theo các chuyên gia kiến trúc của NACO - Đơn vị tư vấn thiết kế nhà ga: Cảm hứng được lấy từ chính biểu tượng của vùng biển Quảng Ninh. Nhìn từ trên cao, Mái che nhà ga được thiết kế nhiều khối với những mũi nhô đặt trên nền đỏ thắm như những cánh buồm. Điểm thú vị khác của mái vòm là màu sắc trên mái có thể thay đổi từ cam sang đỏ trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Thiết kế mái che này còn tạo khoảng trống đón ánh sáng tự nhiên và gió, giúp cho quá trình chờ đợi lên tàu bay của hành khách thuận lợi, thoải mái.
Băng chuyền đưa hành lý, kiểm tra tự động, kiểm tra lại khi hành lý có nghi vấn, hệ thống đồng bộ của hãng Smith cho máy dò chất nổ đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của cơ quan vận chuyển Hoa Kỳ. Đây là tiêu chuẩn cao nhất về an ninh nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cao, thuận tiện cho hành khách, tiết kiệm thời gian.
Hệ thống trả khay tự động lắp đặt tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là hệ thống tiên phong trong khu vực để các sân bay khác của Việt Nam tiếp tục áp dụng nhằm hướng tới sự tiện dụng cho khách hàng cũng như giảm chi phí nhân viên vận hành, tăng năng suất của nhà ga. Sân bay có 4 băng chuyền hành lý thiết kế rất thông minh, linh động trong vận hành, có thể phục vụ giờ cao điểm khoảng 1.200 hành khách.
Nằm bên cạnh nhà ga, Trung tâm kiểm soát không lưu được các phi công người Australia ca ngợi hoành tráng như một pháo đài. Sừng sững giữa không gian rộng lớn, ngắm trọn vẹn đường băng dài và quần thể cảng hàng không từ trên cao. Kiến trúc của đài kiểm soát không lưu có nhiều nét khác biệt, độc đáo. Do thiết kế hình trụ, khu vực đỉnh tỏa rộng hình cánh hoa, nên phần thô của công trình rất khó thực hiện. Thay vì dùng công nghệ cốt pha trượt phổ biến để thi công ống tròn, đội ngũ xây dựng phải dùng công nghệ cốt pha leo, khó khăn và phức tạp hơn nhằm đảm bảo thực hiện đúng ý tưởng thiết kế ban đầu.
Hệ thống hạ tầng thông tin - nền tảng cho toàn bộ các ứng dụng điện nhẹ của nhà ga được xây dựng đồng bộ trên công nghệ nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới Cisco System (Mỹ), đây là hạ tầng IP hoàn chỉnh nhất trong các nhà ga của Việt nam, đảm bảo tất cả các yêu cầu bảo mật của hệ thống.
Giai đoạn hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ sử dụng 4 cầu ống lồng có chức năng tản gió để giúp cho hành khách trong quá trình lên xuống máy bay được an toàn, không chịu tác động từ điều kiện thời tiết. Dự kiến giai đoạn sau năm 2030 sẽ mở rộng nhà ga và nâng tổng số lên 12 cầu ống lồng.
Hậu cần sân bay bao gồm xe nâng, xe buýt vận chuyển hành khách, xe cứu hộ, tiếp nhiên liêu và các thiết bị PCCC đều được nhập khẩu từ nước ngoài với công nghệ hiện đại nhất hiện nay.
Đường băng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dài 3,6km, thiết kế bê tông 2 lớp (lớp lót M150, lớp mặt M350) được trang bị hệ thống đèn hiệu đạt tiêu chuẩn CAT II, toàn bộ 1.303 bộ đèn full led là thiết bị của hãng ADB có xuất xứ từ Bỉ hỗ trợ máy bay có thể cất và hạ cánh 2 đầu đường băng (đầu 03 đạt CAT II, đầu 21 đạt CAT I). Ngoài ra, hệ thống hạ cánh tự động ILS nhập từ Mỹ, Na Uy, Thuỵ Điển cho phép máy bay còn hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết. Sân bay được cung cấp nguồn điện đáp ứng tiêu chuẩn ICAO chỉ cho phép mất điện trong 1 giây.
Trong xu hướng vận chuyển hàng hóa quốc tế hiện nay đang sử dụng loại máy bay chuyên dụng như Boeing 747-400 freighter, loại vận tải này cần chiều dài đường băng là 3.6km thì Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong số ít sân bay của Việt Nam đáp ứng được điều này. Đây cũng là cơ hội để cảng trở thành cảng hàng không lớn trong nước và khu vực, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa tới mọi miền đất nước và quốc tế. Cảng sẽ tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay khai thác đi và đến.
Ngày 8/12 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu đưa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vào khai thác thương mại. Theo đó, các thành viên hội đồng đều khẳng định mọi điều kiện về chất lượng công trình, an toàn cất - hạ cánh, trang thiết bị phục vụ bay, phòng cháy chữa cháy tại đây đảm bảo theo các tiêu chuẩn hàng không.